Câu hỏi 18 Chăm sóc giấc ngủ cho người cao tuổi CTV Mỹ Huyền

CHĂM SÓC GIẤC NGỦ CHO NGƯỜI CAO TUỔI

Nhằm nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, Bệnh viện Phục hồi chức năng xin chia sẻ những thông tin hữu ích về giấc ngủ và cách chăm sóc giấc ngủ lành mạnh.

Thế nào là giấc ngủ ngon và chất lượng?

Một giấc ngủ ngon thường kéo dài từ 7-8 giờ mỗi đêm. Giấc ngủ chất lượng giúp người cao tuổi cảm thấy tỉnh táo, sảng khoái, không bị mệt mỏi hay buồn ngủ vào ban ngày, từ đó tăng hiệu quả trong sinh hoạt hàng ngày và giảm nguy cơ gặp phải những cơn ác mộng gây xáo trộn giấc ngủ.

Ai dễ gặp phải tình trạng mất ngủ?

Có đến 50% người cao tuổi thường gặp vấn đề về giấc ngủ.

Phụ nữ cao tuổi có nguy cơ mất ngủ cao hơn so với nam giới.

Các yếu tố góp phần gây rối loạn giấc ngủ

Bệnh lý nội khoa: Các bệnh mạn tính như đau nhức, bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, và tuyến tiền liệt có thể ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ.

Yếu tố tâm thần kinh: Các tình trạng như sa sút trí tuệ, trầm cảm, và căng thẳng dễ dẫn đến rối loạn giấc ngủ.

Sử dụng thuốc: Một số loại thuốc chứa cồn, caffeine, hoặc các thành phần kích thích có thể gây khó ngủ.

Yếu tố xã hội và môi trường: Căng thẳng, môi trường ồn ào, mất vệ sinh giấc ngủ, hoặc các thay đổi trong cuộc sống như nghỉ hưu, mất người thân đều ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Hậu quả của rối loạn giấc ngủ

Ngủ không đủ hoặc giấc ngủ không chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Các vấn đề có thể xảy ra gồm: buồn ngủ ban ngày, nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, suy giảm nhận thức, và tăng tỷ lệ tử vong.

Giải pháp hỗ trợ và chăm sóc giấc ngủ cho người cao tuổi

Hiểu biết về giấc ngủ ở người cao tuổi: Người cao tuổi cần được giải thích về các thay đổi tự nhiên của giấc ngủ theo tuổi tác.

Kiểm soát các yếu tố gây mất ngủ: Phát hiện và kiểm soát các nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ như bệnh lý, thói quen không lành mạnh.

Xây dựng thói quen ngủ khoa học: Đi ngủ và thức dậy đúng giờ; hạn chế ngủ ngày, duy trì vận động hàng ngày, tạo không gian ngủ thoải mái với nhiệt độ phù hợp và yên tĩnh.

Thói quen tốt trước khi ngủ: Tránh ăn uống quá nhiều, hạn chế rượu, caffeine, thuốc lá; tiếp xúc với ánh sáng ban ngày đầy đủ giúp cân bằng nhịp sinh học.

Để hỗ trợ điều trị mất ngủ bệnh viện áp dụng các kỹ thuật như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, không chỉ giúp cải thiện giấc ngủ bền vững mà còn giảm thiểu tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc.

Chúng tôi hy vọng những thông tin này sẽ giúp người cao tuổi và gia đình xây dựng thói quen ngủ lành mạnh, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống mỗi ngày.

Tác giả Thái Thị Mỹ Huyền